Như đã có hẹn từ bao
giờ mỗi năm bắt đầu khoảng tháng 6 âm lịch mùa nước nổi lại tràn về trên những
cánh đồng quê miền đồng bằng châu thổ. Vào thời gian này nước sông bắt đầu lên
cộng thêm những trận mưa dữ dội tràn ngập những cánh đồng và kéo dài như thế cho
đến độ tháng 11 âm lịch. Mùa nước nổi về là thôn xóm quê tôi lại được thưởng thức
biết bao sản vật đồng quê mà thiên nhiên đã hào phóng ban cho. Thiên nhiên còn
hòa lẫn vào nhau bởi cỏ cây sông núi và càng đẹp hơn khi được điểm tô thêm những
loài hoa bình dị, thôn quê mà đậm đà duyên dáng. Trong đó có sự góp mặt của
loài hoa vàng rực rỡ tô thêm màu sắc cho cánh đồng nước nổi. Khi mùa nước nổi về
cũng là lúc điên điển trổ bông.
Xem Thêm :
Mùa điên điển trổ bông |
Không chỉ góp phần làm đẹp cho cánh đồng
quê hương, bông điên điển còn là 1 đặc sản mang hương vị rất riêng. Cây điên điển
thân sốp lại mang dáng vóc mảnh mai, yếu ớt cứ tưởng chừng chúng sẽ không trụ nổi
bởi những cơn giông bão, có ngờ đâu sức chống chọi của nó lại mãnh liệt đến như
vậy. Ở trên là mưa gió dập vùi, dưới lại sống xô đánh tấp. Nhưng sau cơn mưa
chúng lại xòe ra, lại trổ thêm bông chờ bàn tay lam lũ cần cù của người nông
dân hái mang về.
Người dân thường hái bông điên điển
vào buổi chiều, trời chạng vạng vì theo kinh nghiệm dân gian thì lúc này bông vừa
mới hé nhụy còn tinh túy tươi ngon. Những người dân hái bông điên điền để mang
ra chợ bán, cũng theo kinh nghiệm ấy mà hái buổi chiều để trừ hao cho sáng mai
bông nở và không bị úng. Mọi khi người nông dân cũng kiếm con cá, nắm rau cho bữa
cơm gia đình, nhưng đến mùa nước nổi thì đồ ăn phong phú tươi ngon hơn hết,
không cần đi chợ xa tốn kém mà cũng được bữa cơm thơm ngon phong phú, bởi được
bổ sung thêm những loài đặc sản đồng quê như cá Linh, bông điên điển, bông
súng.
Mỗi năm chỉ được gắn bó với người dân
1 lần nên điên điển lúc nào cũng sẵn sàng chia nhũng chùm bông vàng hực tươi
ngon cho người nông dân hái xuống, còn người dân có lẽ cũng hiểu được hết tấm
lòng của điên điển mà tận dụng chúng. Vào mùa này người dân quê tôi chỉ cần ra
ruộng đổ vài ba cái Dớn rồi bơi xuồng hái ít bông điển điển về là gần như đã đủ
hương liệu chính để nấu nồi canh chua cho bữa cơm gia đình.
Sau mỗi buổi lao động vất vả thì tô
canh chua bông điên điển nấu với cá rô đồng, cá lóc đồng y như tự thưởng cho
mình sau 1 ngày làm việc vất vả. Mùi vị riêng của bông điên điển làm cho những
người còn xa quê khôn nguôi nỗi nhớ. Cái vị hơi nhẫn đắng nơi đầu lưỡi lại ngọt
ngọt bùi bùi xen lẫn nhau. Tuy có hương vị đặc trưng như thế nhưng bông điên điển
lại dễ kết hợp với các món ăn, có thể xem như 1 loại rau dùng ăn kèm với nhiều
món ngon.
Nếu có dịp đến thăm quê tôi đúng vào
mùa nước nổi nơi cuối trời Tây Nam Tổ Quốc sẽ được thưởng thức đủ các món ngon
từ bông điên điển vì bây giờ có điều kiện hơn xưa nên người ta chế biến kết hợp
bông điên điển với nhiều món hơn, ngày trước chỉ có món nấu canh chua, làm dưa
hoặc là ăn sống. Bông điên điển ăn sống kèm với cá lóc nướng trui thì ngon đáo
để, để có cá nướng ăn ngay rồi nhăm nhi vài chung rượu sau buổi đi đổ dớn.
Bông điên điển trổ bông |
Chuyện nướng cá giữa đồng nước mênh
mông này nghe qua khó mà làm được nhưng đối với những người dân đã quen sống
chung với lũ thì chuyện muốn ăn cá nướng trui tại chổ có khó gì đâu. Chỉ cần
đem theo cái hộp quẹt, chén muối ớt, ai kỹ thì đem thêm ít cây củi khô, những thứ
còn lại thì đã có sẵn trên đồng, có lúc người ta bẻ mấy nhánh điên điển hay mấy
nhánh trà khô ngay trên đồng vẫn có thể nhóm lửa được. Người dân quê quý nhau ở
tấm lòng, tình nghĩa chòm xóm khắn khít bền chặt, bởi vì họ đã cùng nhau trãi
qua bao mùa nước nổi, thưởng thức bao mùa điên điển trổ bông và có những buổi
tiệc rượu tuy đơn sơ mà thi vị giữa trời may man mát giữa đồng nước mênh mông
như thế.
Ngày xưa ở thôn quê chưa có đầy đủ
như bây giờ nên người dân chỉ tận dụng những thứ sẵn có để chế biến các món ăn
thêm phong phú, thế là món bánh xèo ở quê được chế biến chung với bông điên điển.
Món bánh xèo bông điên điển có gì cầu kỳ đâu, tép lựa ra sau khi đổ dớn, bông
điên điển chịu khó hái chút xíu là có cả xịa rồi, chỉ cần cộng thêm bột và nghệ
nữa thôi là có thể chế biến được rồi. Món này tuy đơn giản nhưng không thua món
bánh xèo bây giờ. Đối với người dân quê tôi những món gắn liền với miền quê
sông nước rất đổi thân quen, chỉ viết ra đây thôi tôi cảm thấy thèm những món
ngon quê nhà. Còn đối với những ai chưa từng gắn bó với loài hoa dại chốn bưng
biền này thì nghe qua món bánh có vẽ hơi lạ tai ăn vào hơi lạ miệng, nhưng tôi
tin chắc ai ăn rồi sẽ nhớ mãi hương vị của nó .
Hồi đó bông điên điển nhiều lắm,
không hái để héo thì uổng hoặc để qua mùa nước nổi không có nhiều và không ngon
nữa. hái nhiều ăn không hết người dân nghĩ ra cách muối thành dưa để bảo quản
được lâu. Từ đó món dưa bông điên điển ra đời. Lúc đầu người dân chỉ muối bông
điên điển để bảo quản thôi, không ngờ loại dưa bông điên điển lại ngon không
thua bất kỳ loại dưa nào cả. bông điển điển ngon nhất là ăn kèm với cá lóc nướng
trui, thịt heo kho rịu.
Qua bao năm bao mùa nước lên rồi nước
rút, điên điển vẫn âm thầm đứng đó để đợi chờ con nước lên để được trổ ra những
chùm bông vàng ươm dành tặng cho đời. Tôi tin rằng những ai đã gắn bó với bao
mùa điên điển trổ bông cũng sẽ không thể nào quên được hương vị nhẫn bùi ngọt
ngọt của bông điên điển. Mùa nước nổi còn, mùa điên điển còn thì người dân miền
tây quê tôi sẽ vẫn còn chờ mùa điên điển trổ bông .
Hãy để lại cảm nghĩ của mình dưới bài viết này nhé, nếu hay thì like và chia sẻ cho bạn bè nhé, hẹn gặp lại trong bài viết sau.
Đây là món ăn điên điển hình nhất mà tôi từng ăn =))
ReplyDeletethu mua laptop cu
Quá ngon luôn ấy chứ
DeleteTrong đó bao tiền một cân nhỉ
DeleteThucle giá dao động lắm không có giá chính xác đâu :P
Delete