Friday, June 30, 2017

Hương vị nồng nàn của dưa kiệu trong những ngày Tết

Mùa xuân mới lại về trên quê hương tôi, một mùa xuân an lành nồng ấm tình thân. Nhắc đến Tết người ta thường nghĩ đến chợ hoa rộn ràng, những bao lì xì mừng tuổi mới, đòn bánh tét nóng hổi đêm giao thừa hay cành mai khoe sắc trước hiên nhà. Riêng tôi mỗi khi mùa xuân đến thật gần tôi lại nhớ đến 1 món ăn dân dã bình dị cùng mùi hương nồng nàn, đậm đà trong ký ức đó là món dưa kiệu.
Xem Thêm : 
- Cá bống dừa
- Mùa Khoai Lang
- Cá lóc nướng trui
- Cây Lục Bình
- Thịt chuột đồng

củ kiệu tôm khô món ăn không thể thiếu trong ngày Tết

 Ai có dịp ghé thăm quê hương tôi những ngày này sẽ thấy thích thú bởi bạc ngàn sắc xanh của các loại rau. Cuối tháng chạp là cao điểm rau bán Tết, trong đó có củ kiệu. Người dân quê tôi từ khi sinh ra đã gắn bó với nghề trồng kiệu, rồi lớn lên bởi hương kiệu nồng nàn suốt bao năm tháng, sự cần cù chịu thương chịu khó của những người nông dân đã biến vùng đất hoang vu thành vựa kiệu trừu phú như ngày hôm nay.

 Trong 1 năm kiệu theo người nông dân qua 2 vụ, vụ kiệu giống và vụ kiệu Tết. gia đình bên Nội tôi có truyền thống trồng kiệu bán Tết từ hơn chục năm nay. Mấy chú nói đất đai pha cát quê mình thích hợp nhất là trồng các loại cây có củ, như hành tím , khoai lang, củ cải trắng, nhưng trồng hợp nhất vẫn là trồng kiệu. Kiệu không những báo hiệu mùa xuân về mà còn mang theo kế sinh nhai những ngày cuối năm.

 Tiền bán kiệu Tết cũng dư ra chút đỉnh để dành lại để mua sắm trong Tết. Sau mấy tháng dưới bàn tay chăm sóc của người nông dân, kiệu đã sẵn sàng thu hoạch, mùa thu hoạch nhằm vào những ngày cuối tháng chạp âm lịch tức là tháng giêng hoặc bước sang tháng 2 dương lịch. Mùa thu hoạch kiệu là mua rẩy đông vui nhất, nhà này thu hoạch thì nhà kia sang đến tiếp, cứ thế thu hoạch dần công để tiết kiệm chi phí và tiền thuê mướn nhân công, cứ thế lâu dần đã hình thành 1 tập quán sống tốt đẹp trong tình nghĩa của người dân nơi đây, trong ký ức của nhiều người  khoảng thời gian thu hoạch kiệu là đáng nhớ nhất.

 Trên bờ líếp những hàng kiệu mập ú chờ những bàn tay người dân hái mang về, từng cây kiệu được nhổ lên khỏi lớp đất, phơi ra những củ căng tròn. Kiệu mới thu hoạch có mùi rất đặc trưng, đứng xa hàng chục mét vẫn còn ngửi được mùi cay nồng. Con kênh mà thường ngày để bơm nước vào đồng, bây giờ dùng làm nơi để rửa những bó kiệu mới hái, những lớp bùn đất còn sót lại bị cuốn trôi theo dòng nước, để lộ ra những củ kiệu trắng hơn khi vừa được được nhổ lên. Chứng kiến bao nỗi thăng trầm với cuộc sống vất vả của người nông dân, có lẽ vì vậy mà hương kiệu, củ kiệu càng thêm nồng them cay  và công sức người trồng đã được thiên nhiên chiều long cho mưa thuận gió hòa thế là mùa xuân năm nay có được niềm vui trọn vẹn.

 Ở những gian hàng chợ Tết nhộn nhịp, có thêm 1 góc bán kiệu, kiệu vừa mới nhổ được chuyển từ vựa lên chợ nên còn tươi ngon và phảng phất mùi nồng cay riêng biệt không lẫn vào bất cứ loại rau củ nào. Kiệu được chế biến thành nhiều món ngon trong Tết nhưng phổ biến là làm dưa kiệu. Thế nên những ngày 25-26 tháng chạp âm lịch là các bà nội trợ lại tất bật mua kiệu tươi về làm dưa kiệu ăn dần .

 Và mỗi khi cây mai trước sân bung nở những nụ đầu tiên cả nhà tôi lại xúm xít bên nhau làm món kiệu Tết quen thuộc, việc làm dưa kiệu không cầu kỳ tốn nhiều công sức như nấu bánh tét, quết bánh phồng. Cũng như bao bà con ở vùng quê khác, người dân quê tôi cũng rất thích ăn món dưa kiệu trong dịp Tết đến xuân về. Trong các công đoạn làm kiệu, có lẽ là lặt kiệu là nhộn nhịp và đông vui hơn cả, người lớn và trẻ con quay quần vừa lặt kiệu vừa trò chuyện vậy mà rôm rả 1 xóm nhỏ trong bưởi chiều cuối năm. Lăt kiệu là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất nên má và mấy dì kể cho bọn tôi những câu chuyện rất thú vị về xuất xứ của củ kiệu.

 Ngày xưa có 1 nàng công chúa rất yêu thích việc trồng trọt, nàng tên là Kiệu, 1 ngày kia trong lúc thăm ruộng nàng Kiệu phát hiện ra 1 loài cây lạ, nàng đem giống cây này về trồng, đến lúc cho củ nàng đem củ ngấm với dấm và nước ngọt của cây trái vài ngày sau củ không còn vị gắt lại thơm nồng. Nàng Kiệu dã dân lên vua cha món ngon ăn kèm với bánh chung luộc. Vua cha nếm thử và rất thích từ đó vua hạ lệnh trồng phổ biến loại cây này và đặt tên là Kiệu theo tên của nàng công chúa.

 Theo kinh nghiệm của má chọn kiệu làm dưa phải chọn kiệu có kích thước vừa phải không quá to cũng không quá nhỏ mới cho được những hủ kiệu ngon. Kiệu rửa qua 2 nước cho nhả bớt chất cay nồng người nào kỹ tính hơn còn ngâm kiệu với nước muối hoặc phèn chua sau khi rửa sạch chờ kiệu ráo nước rồi chuyển sang công đoạn ướp gia vị. Đường và 1 chút muối được cho vào thao kiệu và trộn đều tay, người có kinh nghiệm thường không đổ giấm trực tiếp vào kiệu vì như vậy kiệu sẽ bị đục và mất đi độ giòn ngon cần thiết.

 Cách làm kiệu cầu kỳ như thế này phải chờ 1 đến 2 tuần mới có thể ăn được nhưng sẽ bảo quản được lâu hơn và càng để lâu kiệu sẽ càng chua và thấm vị. Kiệu sau khi ngấm gia vị thì mang ra phơi nắng vài ba ngày, nhờ cái nắng ấm áp của mùa xuân mà mớ kiệu tươi thêm nồng đượm hơn, cái mùi hương kiệu thoang thoảng hòa cùng mùi nắng xuân ấm áp không lẩn vào đâu được. phài phơi đủ 3 nắng kiệu thành phẩm mới ngon và giòn.

 Kiệu phơi xong được má cho vào hủ thật khéo léo, ăn kiệu không chỉ cần ngon, giòn, thấm vị mà cũng kỹ lưỡng công đoạn xếp từng củ kiệu tươi vào hủ. má dặn sau này lớn lên làm gì cũng phải cẩn thận cũng như việc xếp kiệu này vậy. Lúc nào má cũng thường hay dạy con cái những điều hay lẽ phải, để mỗi mùa xuân trôi qua chúng tôi lại thêm lớn khôn, từ những bài học đơn giản nhưng sâu sắc của má.

 Qua bàn tay chế biến khéo léo của con người, kiệu đã thành nét đặc trưng truyền thống trong dịp Tết góp phần làm phong phú hơn ẩm thực Tết, món ăn đơn giản này đã gói hồn dân tộc vì từ bắc chí nam hầu như nhà nào cũng làm dưa kiệu để ăn dần trong Tết. Nếu quá bận rộn thì những chiều cuối năm ra chợ mua vài hủ kiệu ngon.

 Mâm cơm cúng ông bà trong mấy ngày Tết không thể thiếu món dưa kiệu, 1 dĩa kiệu ngon như tấm lòng thơm thảo của con cháu dâng lên ông bà tổ tiên. Trong bữa cơm ngày xuân luôn có sự hiện diện của dĩa kiệu ngâm được bài biện trang trí đẹp mắt. Khi ăn nhiều thịt cá, bánh mứt thì những món rau củ muối chua như kiệu lại được ưa thích. Chút dưa kiệu làm cho món ăn ngày Tết ngon hơn và phần nào đỡ ngán.

 Cách ăn kiệu mỗi miền cũng khác nhau nếu như ở miền bắc chuộng ăn kiệu với bánh chưng luộc, thịt nấu đông. Người miền nam lại thích ăn dưa kiệu với bánh tét chiên, thịt kho hột vịt hay là canh khổ qua. Từ từ nhấm nháp hương vị kiệu chua chua ngòn ngọt thưởng thức bữa cơm đầu năm cùng dưa kiệu và những món ăn truyền thống mà thấy ấm áp tình ruột thịt trong 1 cái Tết đoàn viên. Rồi những cái Tết qua đi tôi trở lại thành phố để tiếp tục cho công việc năm mới, má cũng không quên bỏ vào hành lý của tôi 1 hủ kiệu ngon mà má làm riêng cho tôi, tôi đã mang theo từ quê hương mình 1 cái Tết thật ngọt ngào, gói ghém tình thương yêu gia đình trong những hủ kiệu nồng nàn .


Saturday, June 10, 2017

Ký ức mặn mòi Ơ Kho Quẹt hương vị quê hương

 Tranh thủ mấy ngày nghĩ lễ tôi liền về thăm quê, cái nơi cũng không quá xa xôi với chổ tôi đang làm việc nhưng vì bận bịu mãi có khi đôi ba tháng tôi mới mới về được 1 lần. Biết con trai lâu lâu mới về mẹ của tôi cũng làm vài món để đãi con. Tuy không phải cao lương mỹ vị gì nhưng cũng thuộc loại ngon bổ dưỡng đó, vậy mà tôi vẫn còn thấy thiếu 1 món ăn dân dã, mặn mòi mà tôi đã thích ăn từ lúc còn nhỏ xíu và đòi mẹ phải bồ sung ngay món này cho bằng được đó là ơ kho quẹt.



Món ăn mắm kho quẹt chấm với rau

 Ơ kho quẹt mẹ làm nó thơm thiệt làm sao tôi cứ hít hơ hít hà mà quên mất hôm nay còn có nhiều món ăn ngon khác, tôi thích có vẻ hơi lạ đời vậy, chẳng phải vì lâu rồi mình không được ăn vì món này với tôi chỉ có mẹ làm là ngon nhất, và cũng có nhiều kỷ niệm nhất. Vì tôi là con một trong nhà nhưng cũng lanh lẹ nên hồi còn nhỏ bị mẹ sai đi mua những thứ lặt vặt ở tiệm tạp hóa của cô Bảy ở đầu đường mà phần nhiều là mua nước mắm, lần nào tôi cũng ra vẻ hăm hở lắm, bởi mỗi lần mua là tôi được cô Bảy dúi cho cục kẹo, một cái bánh để ăn mà  bánh kẹo thì đứa con nít nào mà không thích chứ.

 Tôi hay thường vào bếp phụ mẹ những việc lặt vặt và cũng nhờ đó mà tôi biết mẹ nấu ăn rất khéo và ngon, nhất là ba cái món dân dã như Kho Quẹt. Nghe kho quẹt lúc đầu tôi cũng nghĩ đơn giản là cho nước mắm vào kho cho kẹo lại rồi quẹt ai dè mẹ chế biến cũng cầu kỳ lắm. mẹ nói “ kho đúng cách thì nó mới ngon “. Chỉ riêng cái phần nguyên liệu để kho thôi thì nó phong phú rồi, có khi mẹ chỉ kho nước mắm đơn thuần sau đó nêm nếm thêm chút gia vị. Còn những lúc ba đi xúc hay kéo lưới về có ít cá hủng hỉnh thì mẹ lại chế biến món cá kho quẹt, độc đáo hơn mẹ còn biết tận dụng nồi thịt đã ăn hết phần cái rồi kho cho nó sắt lại để làm món kho quẹt nữa. Thế nhưng có 1 thứ nguyên liệu mà lúc nào mẹ cũng chuẩn bị sẳn và không bao giờ thiếu đó là tép mỡ, dù kho cách nào thì cuối cùng cũng thấy mẹ thêm vào loại nguyên liệ này. Và đúng là có tép mỡ thì món kho quẹt thơm thiệt.


 Thấy mẹ đôi lúc còn đổ thêm chút nước cơm vào ơ kho quẹt, tôi thắc mắc thì mẹ so đầu bảo : con bỏ vào như vầy thì nước trong ơ sẽ sánh lại, tạo nên độ sền sệt rất béo và ngon. Khi ơ kho quẹt còn nổ tý tách trên bếp lửa hồng thì tôi đã chạy tuốt ra sau vườn hái 1 mớ rau lang rau muồn về cho mẹ luộc. Tuy cuộc sống có phần đạm bạc khó khăn nhưng ở đó tôi cảm nhận được cả tình cảm ấm áp của gi đình, sự yêu thương của tình ruột thịt. Đó là tình cảm của mẹ được chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ cho tôi, còn ba thì suốt ngày mần ngoài đồng để kiếm tiền lo cho tôi ăn học. vì lao động chân tay nên trong nhà ba cũng là người đói bụng sớm nhất, trời hơi xế trưa là ba cố gắng làm việc thật nhanh để về tắm rửa và ăn khi cơm còn nóng.

Ba nói : ăn cơm nóng thì mới ngon, đặc biệt là ăn với kho quẹt, bởi ăn nóng thì nó làm cho tép mỡ và hành của ơ kho quẹt dậy lên thơm lừng hấp dẩn lắm.


 Chính nét độc đáo riêng ấy mà ăn cơm với kho quẹt giữa tiết trời se lạnh mới cảm nhận được hết cái ngon của nó, và điều này lại phù hợp với ba vì hôm nào đi làm về tắm song cũng là lúc cả nhà quay quần ăn uống. Ăn kho quẹt tôi thì thích nhất ăn cái phần khen khét chung quanh vách nồi nó thơm ngon đến độ có khi tôi cứ quẹt 1 chổ đó hoài mà quên mất cái phần cá bên dưới nồi và bị mẹ la quá trời luôn. Còn ba tôi thì lại thích ăn kho quẹt với cơm cháy thôi, ba nói ăn như vậy mới giòn và ăn sướng miệng.

 Kho quẹt dẫu ăn với cái gì và trong hoàn cảnh nào thì nó cũng thể hiện sự mặn mòi vốn có của nó, nhưng với tôi sự mặn mòi này còn chứa đựng cả tình cảm của mẹ vào trong món ăn ấy, đó là món ăn dân dã, đậm tình là kỹ niệm là cuộc sống của gia đình của làng quê chồm xóm ngày trước. Quả thật ngày xưa ở quê tôi có nhiều gia đình ăn kho quẹt lắm, hỏi ra mới biết cũng có nhiều lý do, có người vì nghèo không có tiền mua thịt cá, có người thì ngại chợ xa, cũng có trường hợp chỉ đơn thuần là thích ăn thôi.

 Ở quê cũng dễ chỉ cần siêng 1 chút xách cái rổ ra mấy ao vuông sau nhà xúc ít con cá đồng về là có ngay ơ kho quẹt. Thấy món ăn đơn giản vậy chứ họ chuẩn bị dụng cụ nấu nướng và chế biến bài bản lắm nghen, hầu như nhà nào cũng có trang bị nồi đất hết, nghe nói chỉ có nồi đất thì kho mới ngon chứ kho bằng nồi kim loại dể bị ra ten lắm. Dì út tôi là rành cái vụ này số một luôn, dì nói chọn nồi đất là phải chọn cái nồi lớn gấp đôi số thực phẩm muốn kho, để lúc kho gần cạn nước mắm không bị văng tứ tung ra ngoài  và bám hết vào thành nồi và cái phần bám này là ngon nhất, có lẽ vì vậy mà thằng út con của dì luôn dành với mấy anh của nó chuyện trộn nồi vì khi đó cơm sẽ thấm đều hương vị thơm ngon mặn mòi càng tăng thêm.

 Nhiều lần thấy mẹ và dì làm món kho quẹt, tôi cũng biết qua nhưng chưa có dịp trổ tài vì mẹ thương tôi nên thường làm thay hết. tôi nhớ có lần đi học về, thấy mẹ bị bệnh mà nhà thì hết gì ăn. Tôi nhớ ra một món giản đơn mà mẹ hay làm cho tôi ăn mỗi khi phải đi học sớm, đó là món cháo trắng ăn với kho quẹt, nói nghe thì dễ nhưng lần đầu tiên nấu nướng tôi lo là chẳng biết có ngon không, nhưng nghĩ lại người ăn là mẹ mình có ngon  hay dỡ chắc cũng không đến nổi. Vậy mà bất ngờ lắm nghen khi ăn mẹ lại nói ngon và khen tôi giỏi nữa.Tôi biết cháo trắng ăn với kho quẹt là ngon rồi nhưng tôi làm chắc hẳn là còn vụng về vì con trai mà, do thương con nên mẹ khen động viên vậy thôi chứ tôi nếm thử thì nó mặng bà cố luôn.

 Ơ kho quẹt rất đổi bình thường nhưng với tôi nó có nhiều kỷ niệm như vậy, nó theo tôi từ thuở ấu thơ cho đến ngày khôn lớn, Tôi nhớ lúc lên thành phố học, mỗi lần về thăm nhà biết tôi thích, lần nào mẹ cũng làm 1 ơ kho quẹt rồi cho vào keo để tôi mang theo. Mẹ nói kho quẹt mà đậy kỹ càng có thể để dành ăn hàng tuần mà không bị hư hao gì hết.

 Rồi tôi đi làm tôi có dịp cùng đồng nghiệp bạn bè ghé những quán xá sang trọng nhiều hơn và ở đây tôi bắt gặp món kho quẹt cơm cháy ngày nào mình từng gắn bó. “ Có người nói vui bây giờ mà vào nhà hàng mà gọi kho quẹt cơm cháy mới là sành điêu “. Thật ra có một số người đã ăn quá nhiều món ngon vật lạ trong những bữa tiệc thịnh soạn đột nhiên được thưởng thức lại cái món từ lâu không được dùng thì lúc đó họ cảm nhận đây là món ăn ngon cũng là lẽ thường tình.

 Với tôi dẫu ăn món kho quẹt ở nhà hàng những nơi sang trọng tôi cảm nhận không thể ngon bằng món ăn này do chính tay mẹ làm ngày nào, bởi nó chứa đựng sự mặn mòi từ hương vị, tình cảm và ngập đầy kỷ niệm tuổi ấu thơ .



Wednesday, May 31, 2017

Những ích lợi từ cây lục bình và ký ức khó phai

Lục bình bông tím, điên điển bông vàng
Điên điển mọc ở đất lành, lục bình trôi nổi như chàng hát rong.

 Có mấy ai nghĩ rằng loài cây thủy sinh hoang dại, trôi nổi như cây lục bình lại mang vẻ đẹp hiền hòa như thế. Loài bèo dạt hoa trôi ấy cứ lặng lẽ trôi theo con nước vơi đầy và rồi âm thầm đơm hoa giúp ít cho đời, dẫu cho sóng dập dìu, lục bình vẫn trôi vẫn vương lên và tiếp tục sinh sôi nẩy nở.
ký úc miền tây, cây lục bình

 Cây lục bình sinh trưởng rất nhanh, chúng có mặt khắp vùng sông nước đồng bằng sông cữu long. Hể còn chút thân chút rể là lại sinh thêm cây con, những bụi lục bình gắn kết nhau bằng 1 đoạn rể, cứ thế chúng sinh sôi thành đám lớn. Ngày xưa chủ yếu người dân đi lại bằng xuồng ghe, nhưng với lượng lục bình dày đặc, đôi lúc gây cản trở việc đi lại. Bởi thế 1 thời lục bình được xem như loài thủy sinh hoang dại.

xem thêm : Ngọt Ngào Hương Vị Cây Mía Quê Tôi Miền Tây Nam Bộ
                         : Ký Ức Về Cây Dừa Nước Ở Miền Tây Quê Tôi

 Từ xa xưa khi chưa biết hết công dụng của lục bình, người dân chủ yếu dùng nó đắp gốc cho vườn cây ăn trái, hoặc những loài  cây lâu năm lúc nắng hạn, vì rể lục bình có thể làm mát giữ ẩm, về sau khi phát hiện lục bình mục có lượng phân hữu cơ bổ sung cho cây trồng lại không tốn tiền mua nên người dân bắt đầu sử dụng chúng nhiều hơn.Cũng có thể dùng lục bình làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Lục bình có tính mát nên giúp vật nuôi dễ tiêu hóa mau lớn hơn.

 Khi biết ngó non của lục bình có thể dùng để chế biến nhiều món ăn đa dạng, hương vị không kém các loại rau đồng khác mà lại dễ tìm vì không mất tiền mua. Tranh thủ làm vườn xong cha tôi cắm sẳng mấy cái cần câu ngoài ruộng. Những năm nước nổi lâu rút càng dễ kiếm cá hơn.

 Còn mẹ tôi thì cũng tranh thủ lúc con nước lớn mang theo những bụi lục bình non đó mẹ bơi xuồng theo để hứng lục bình vào, tướt 1 hồi cả rổ lục bình xanh ngon ơi là ngon, tôi đoán mẹ sẽ làm món canh chua cho cả nhà. Tôi cũng đi theo mẹ hái lục bình nhưng không phải để ăn mà để lát đem về chơi bán bánh mì với nhỏ bạn. Đối với tụi con nít là những ổ bánh mì, là những cây lạp xưởng để bày hàng ra bán, bánh mì lục bình cũng có nhân, đoạn nối các bụi lục bình tôi gọi đó là lạp xưởng và chúng được dồn vào ổ bánh mì. Tuy chúng tôi không ăn nhưng nhìn cũng bắt mắt lắm.

Thấy mẹ hái lục bình, tôi biết thế nào chiều nay tôi cũng ăn cơm sẽ no căng cái bụng cho mà xem. Lục bình mẹ nấu món canh chua với cơm mẻ, kho thêm mẻ cá kho khô nữa là đủ cho bữa cơm chiều. những người dân quê tôi thì bữa cơm chỉ giản dị thế là đủ, mà ấm cúng tình cảm gia đình biết bao.

 Mỗi khi gió bất về trẻ con là hay ho hen nhất, khi ấy có thể áp dụng bài thuốc dân gian đơn giản hữu hiệu mà ông bà đã truyền lại cho lớp sau. Bài thuốc bông lục bình chưng với đường phèn. Thiên nhiên khắc nghiệt thì cũng bù đắp cho con người, mùa gió bất về cũng là mùa trổ bông. Dẫu chỉ bị xem như loài cây thủy sinh hoang dại, lục bình vẫn từng ngày sinh sôi nẩy nở, bao bọc những con kênh, vẫn ở bên cạnh người dân quê chân chất  hiền lành.
Thân em như đám lục bình
Lênh đênh theo những dòng tình ngược xuôi.

 Kiếp sống lênh đênh theo con nước lớn ròng, đời lục bình trôi dạt biết về đâu. Có lẽ vì thế hình ảnh lục bình được nhắc nhiều tới trong những bài ca dao xưa, nhất là những câu ca dao than thân trách phận, mỗi khi cuộc sống không bằng phẳng, tình duyên không trọn vẹn.
Trời mưa ướt cánh lục bìnhDòng sông định mệnh xưa mình theo ai ?Thương em bến nước mười haiTrong nhờ đục chịu trách ai thay lòng.Trời mua bong bóng bập bòngEm đi lấy chồng mưa hết trên anh.
 Bao đời bèo dạt hoa trôi, nay lục bình đã có bến đỗ cho riêng mình nhờ những hữu ích không ngờ tới của nó. Trồng lục bình không cần vốn, không mất nhiều công cũng chẳng cần phải bón phân, chỉ cần có bến sông dùng cây rào chắn, không cho lục bình trôi đi là được. Người trồng lục bình có thu nhập ổn định, người đi cắt lục bình thuê cũng kiếm được từ 120-150 ngàn/ buổi. Ngoài công việc đồng án, cũng có thể tranh thủ đi cắt lục bình tươi bán cũng kiếm thêm thu nhập trang trãi trong ngoài lo cho gia đình, con cái học hành.

 Lục bình đem phơi sẽ có giá cao hơn lục bình tươi vì có thể chế biến sản phẩm ngay. Phơi lục bình cũng không mất nhiều thời gian, chỉ việc trãi chúng ra rồi để đó khi nào khô đúng độ có thể dùng được thì bó lại cân cho xí nghiệp.Đặc tính của cây lục bình già khi phơi khô sẽ rất dai vì thế người ta dùng nó để đan vật dụng trong gia đình.

 Ban đầu chỉ đan những vật dụng bình thường như : rổ, giỏ xách lớn, những cái sịa đựng đồ. Về sau những ý tưởng sáng tạo ngày càng nhiều người ta có thể thiết kế làm bàn, ghế và cả những đồ trang trí nội thất cao cấp như các bộ salon đắt tiền, những tủ đựng quần áo sang trọng và những túi xách thời trang cho các chị em phụ nữ. những sản phẩm làm từ lục bình còn được trưng bày ở các hội chợ lớn, có loại sản phẩm từ loài cây dân dã này có thương hiệu nổi tiếng và được người dân ưa chuộng. Đặc biệt là những du khách nước ngoài. Họ rất thích thú trước sự khéo léo với bàn tay lành nghề của bà con nông dân Việt Nam.


Wednesday, March 29, 2017

Ký ức miền tây , nhớ mùa khoai lang quê tôi

 Từ lâu khoai lang tuy không phải là loại lương thực chính nhưng là thứ thức ăn quen thuộc với bao người từ thôn quê đến thành thị, có lẻ vì thế với mọi người khoai lang rất đổi bình thường, nhưng với tôi người sinh ra và lớn lên trên mãnh đất chuyên canh trồng khoai thì nó luôn gần gủi, thân thương gợi cho tôi bao ký ức về những mùa khoai nơi quê nhà .

Bài viết liên quan : 

Ký ức về cây dừa nước ở miền tây quê tôi
Ẩm Thực Miền Tây - nhớ mãi cá lóc nướng trui ở U Minh Thượng
Ẩm thực miền tây , Những món ăn chế biến từ Chuột đồng
Ẩm Thực Miền Tây - Cá Bống Dừa Đậm Chất Tình Quê Hương Sông Nước Miền Tây
Ẩm thực miền tay - Mắm Ba Khía , món ăn đậm đà hương vị quê hương

nhớ mua khoai lang ở miền tây

 Tôi nhớ ngày xưa mùa gặt lúa xong ba tôi lại tất tả chuẩn bị bắt đầu cho mùa khoai lang mới, vì ở quê tôi ngoài cây lúa là cây trồng chủ lực trong sản xuất, khoai lang cũng là một trong những loài cây lương thực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà nông. Mà thời ấy bà con trồng khoai lang bằng kỷ thuật thủ công truyền thống dựa vào sức người là chủ yếu nên mùa vụ khoai nào người trồng cũng tốn nhiều côn sức thời gian ở các công đoạn .

 Do trồng khoai lang là nghề để mưu sinh nên bà con ở quê tôi cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm với loại cây trồng này từ khâu chọn giống đến khâu thu hoặch. Vào mùa khoai lang quê tôi nhộn nhịp đông vui lắm, mỗi người mỗi việc có khi trời đã đứng bóng mà chằng ai chịu nghĩ tay, bàn tay lao động của họ cứ thoăng thoắt hăng say với công việ. Bởi nhà nông mà, đã làm là phải làm cho hết, cho xong rồi mới tính chuyện khác. Có lẻ đây là cốt cách, làm nên tâm hồn mộc mạc chịu thương, chịu khó của người dân quê tôi .

 Một vụ khoai lang thường kéo dài hơn 4 tháng, khoảng thời gian này ba má tôi và mấy chú thím đều ở suốt ngoài ruộng khoai, vì những giai đoạn trồng cho đến thu hoạch khoai gần như là liên tục, ai nấy cũng quen rồi cái cảnh 1 nắng 2 sương. Cuộc đời nhà nông là vậy đó cần mẫn lao động để vun trồng cho ruộng khoai tốt tươi để hy vọng một mùa khoai bội thu .

 Đến ngày chuẩn bị thu hoạch khoai, má tôi thường phải đi dọn dây khoai trước cho sạch đất vì như vậy hôm sau ba và mấy chú cuốc đất dỡ khoai sẽ đở nhọc công và kịp công việc trong ngày. Mùa khoai nào cũng vậy gia đình của chú tư chú bảy thường qua nhà tơi làm dần công, mà hình như ngày trước ở vùng quê tôi nhà nào cũng vậy hể nhà ai thu hoạch trước thì báo cho bà con biết để mọi người sắp xếp làm. ở quê tình nghỉa với nhau là chổ đó, phải chăng nhờ vậy mà tình làng nghĩa xóm luôn thắm đượm sự chia sẽ, đoàn kết .

 Hồi nhỏ tôi mê nhất là theo ba ra ruộng dỡ khoai, bởi khoai được trúng mùa nhát cuốc nào kéo lên cũng có nhiều củ khoai to. Thấy ba và mấy chú cuốc khoai gọn mà dể dàng nên tranh thủ lúc họ nghĩ tay là tôi cuốc liền. vì sợ cuốc cạn đứt khoai và không có kinh nghiệm nên tôi cuốc thật sâu vào lòng đất. chỉ vài cuốc thôi mà tôi đã làm hết nổi vì cuốc đất nặng quá, mà có vậy tôi mới biết được sự nhọc nhằng của ba má và bà con quê tôi và cái nghề trồng khoai cũng cần lắm kinh nghiệm thì mới làm được dể dàng .
Nghề trồng khoai thì nặng nhọc như vậy hầu như ở công đoạn nào cũng cần đến sức người là chủ yếu, có lẽ vì điều đó mà cây khoai lang cũng thương người lao động nên mùa thu hoạch đến củ khoai cũng đều, to và ngọt. Thành quả đó có được phải chăng từ bao giọt mồ hôi đã rơi xuống trên những luống đất trồng khoai, để rồi dù lắm vất vã nhưng gặp năm khoai trúng mùa thì mọi mệt nhọc của ba má tôi và các cô bác cũng không còn quan trọng, cái vui làm người ta quên cực là vậy .

 Người trồng khoai như ba tôi và mấy chú thu hoạch xong vẫn còn nổi lo khác, đó là chuyện giá cả chứ mỗi khi mùa khoai lang trúng mà không được giá thì những nhọc nhằng trong lao động dường như quằng nặng trên vai họ bội phần. Thế nhưng dù lắm lúc khó khăn họ vẫn ngày ngày tích lũy kinh nghiệm học hỏi kỹ thuật cải tiến lao động và tiếp tục với nghề trồng khoai lang trên mãng đất quê nhà, bởi đây là nghề truyền thống đã giúp họ mựu sinh, cải thiện cuộc sống từ bao đời nay .

 Nghe ba tôi nói mùa khoai lang này không còn vất vã như những mùa khoai lang trước, những năm gần đây bà con đã chế tạo thành công các loại máy cày tự chế phục vụ cho nghề trồng khoai. Từ những công đoạn ốp vòng đất cho đến dỡ khoai thu hoạch đều có máy móc làm hết, thậm chí còn có xe đến tận ruộng nên mọi người đở nặng nhọc hơn trước rất nhiều .


 Một mùa khoai lang ở quê tôi lại bắt đầu và tiếng máy dỡ khoai và tiếng máy xe vẫn chuyển khoai cũng đã nổ giòn tan thay cho sức người vất vã. Dẫu biết rằng đời nhà nông vẫn còn lắm nhọc nhằng, nhưng tôi tinh rằng việc cơ giới hóa các khâu sản xuất và ứng dụng tiến bộ của khoa học kỷ thuật vào canh tác sẽ luôn là động lực và niềm tin để người dân quê tôi trong đó có ba má tôi thêm vững tin để phát triển nghề truyền thống nông nghiệp quê mình