Friday, July 7, 2017

mãi nhớ mùa thốt nốt ở quê tôi

Một mùa thốt nốt nữa lại về, người dân quê tôi tất bật với những công việc: hứng nước đường từ những chùm hoa thốt nốt. Từng giọt nước đường đang chờ được đem về và từ những giọt nước đó qua sự cần cù của người dân quê mình sẽ tạo ra một đặc sản thơm ngon tuyệt hảo.

 Thốt nốt thuộc họ cau dừa tàu lá giống lá cọ nhưng rộng hơn, trái thốt nốt mọc thành chùm giống như buồn dừa nhưng nhỏ hơn. Thốt nốt có tuổi thọ rất cao, hàng trăm năm vẫn còn ra trái, thốt nốt cho lượng nước nhiều nhất vào khoảng thời gian trước Tết và kéo dài đến hết tháng 5 âm lịch, người dân quê tôi gọi đó là mùa thốt nốt.

 Xem thêm :
kỷ niệm mùa thốt nốt


 Ngày xưa mỗi khi mùa thốt nốt về các chú các bác trong xóm sửa lại mấy cái ống tre cũ và đi tìm tre tươi để làm các ống tre mới để hứng nước đường. Nghe ông tôi kể, việc dùng ống tre hứng nước đường là một công đoạn trong quy trình làm ra đường thốt nốt.

 Chuyện về 1 ông nông dân chăn bò nằm nghỉ trưa bên gốc cây thốt nốt, có giọt nước từ trên cây rơi xuống miệng, thấy nước thốt nốt ngọt, thơm ông dùng ống tre hứng nước mang về nhà. Nước thốt nốt để lâu ngày bị hư không dùng được, người ta mới nghĩ cách nấu đường như hiện nay, từ đó người dân giữ tập quán dùng ống tre hứng nước thốt nốt cho đến ngày nay cho đến khi có ống nhựa, vì phải xách nhiều ống leo lên cây thốt nốt nên người dân đã đổi sang ống nhựa để giảm trọng lượng khi leo lên cây.

 Xóm tôi hồi đó đất rộng người thưa cả dãy đất chỉ có vài nóc nhà, dân tộc đông nhất ở đây là người Khmer kinh tế chủ yếu dựa vào cây tiêu và cây thốt nốt. tiêu được trồng trên những ngọn đồi, còn phần đất bằng phẳng dưới chân đồi là ruộng, nhưng mỗi năm cũng chỉ là được có 1 vụ, vì điều kiện tự nhiên nơi đây không thuận lợi cho việc trồng lúa. Phần đất trống để cỏ mọc dùng để nuôi bò, phần còn lại chủ yếu là cây thốt nốt. Cây này đã gắn bó với người dân quê tôi hàng trăm năm qua,

 Cây thốt nốt cho nhiều lượng nước nhất là vào buổi sáng sớm và chiều tối, 1 ngày chỉ lấy nước được 2 lần nên ai cũng tranh thủ đi lấy cho nhanh đủ nước để nấu đường. thời gian ban ngày chỉ có 12h đồng hồ, người đàn ông dành nữa thời gian ấy cho việc đi lấy nước thốt nốt.

 Ông tôi biết lấy nước và nấu đường từ thời thanh niên, khi cưới bà tôi về thì 2 người chỉ có mãnh đồi tiêu nhỏ phía sau nhà và nghề nấu đường của gia đình tổ tiên để lại. nghề nấu đường mang lại nguồn thu nhập hàng ngày có đầu ra đầu vô là nguồn sống chính của cả gia đình. Hàng ngày ông đi lấy nước, bà ở nhà nấu đường. Vậy mà ông và bà cũng làm công việc này hơn 40 năm rồi.

 Không chỉ riêng ông tôi mà những lão nông khác trong xóm cũng vậy thậm chí có người 70 tuổi vẫn còn đi lấy nước thốt nốt nấu đường, hàng ngày các cụ phải leo lên leo xuống hàng chục cây thốt nốt cao hơn chục mét vài chục lần chỉ với mỗi chiếc thang tạm bợ, đó là cây tràm có đóng nhiều cây dọc hoặc đó chỉ làm 1 cây tre. Khi nào thấy mệt và đói thì bẻ mấy trái thốt nốt xuống gốc cây ngồi ăn và uống nước thốt nốt cho đở đói, trái và nước thốt nốt đều có mùi thơm nhẹ và vị ngọt thanh.

 Nhà nào cũng có lò đất và 1 cái chảo gang hay dơn giản chỉ là 1 thao nhôm lớn bắt lên bếp. Đàn ông dành nhiều thời gian cho cây thốt nốt, còn người phụ nữ thì ở nhà nấu đường và vệ sinh mấy ống chai cho sạch để lấy nước ngày hôm sau, cuối cùng là đánh đường cho đặc quánh lại mới dùng được. công việc ấy cứ xoay vòng như vậy qua bao đời nay.

 Đường thốt nốt có màu trắng ngà là ngon nhất có vị ngọt diu và thơm, hương thơm rất riêng không lẫn với bất kỳ loại đường nào, đường thốt nốt nguyên chất có thể để cả năm vẫn không bị hư. Người lớn xoay vòng với những công việc lấy nước nấu đường còn bọn trẻ con chúng tôi thì chỉ lượm những trái thốt nốt chín mùi rơi rụng dưới gốc cây để ăn hoặc làm bánh thốt nốt trong buổi chơi nhà chòi, mùi thơm từ trái thốt nốt thật dịu nhẹ, trái thốt nốt làm quạt mất giữa trưa, là nón che đầu, là mái nhà chòi bé xinh, trong những buổi cho bò ăn cỏ, giữa cái nắng như thiêu như đốt, cây thốt nốt vẫn đứng giữa đồng, ở những nơi đồng bằng màu mỡ, ta rất ít khi gặp cây này hoặc có cũng không được tốt. Nhiều lần tôi thắc mắc vì sao cây thốt nốt lại chọn nơi khắc nghiệt như vậy mà thích nghi, cũng giống như câu hỏi tại sao người dân quê tôi lại chọn nơi khô cằn này để gieo trồng mầm sống, cho đế nay câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ nhưng nhiều lần cùng đám bạn chơi đùa, trông bò ngoài đồng, nhìn ra xa cánh đồng mênh mông ấy, cho tôi cả giác thật thanh bình, thảo nào tôi thấy người lớn hay nhìn ra xa mỗi khi nghĩ mát dưới bóng cây thốt nốt có lẽ họ cũng đang cần sự bao la của trời đất, của thiên nhiên để thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng hơn.

 Từ đây nhìn ra xa kia là khu du lịch chùa Hang, đi đường bộ thì gần 5km, chứ đi đường chim bay thì chưa tới 2 km, nhờ phong cảnh hữu tình của núi non và biển cả đã thu hút nhiều du khách phương xa về đây tham quan. Cây thốt nốt quê tôi cũng góp phần làm nên đặc sản phục vụ du lịch, khách du lịch cũng có dịp thưởng thức 1 lọt chiếc bánh thốt nốt còn nóng hổi trong chiếc thố nhỏ hay thưởng thức thốt nốt tươi của các cô, các dì bán dọc đường đi và họ cũng không quên mua vài củ đường thốt nốt về làm quà cho người thân bé bạn.


 Gần khu du lịch có 1 hàng thốt nốt đã đứng đó từ bao giờ, ngoài nhịp lá reo theo nhịp sống vồ bờ, dẫu ở đâu, thốt nốt vẫn luôn bảo bọc chở che cho những người dân chân chất hiền lành. Bao năm trôi qua mùa thốt nốt vẫn luôn tuần hoàn giữa xuân đến cuối hạ, và ông tôi vẫn miệt mài với nghề truyền thống này, dù cuộc sống hiện tại đã ổn định hơn xưa, nhưng ông tôi vẫn giữ thói quên dậy từ 5h sáng để đi lấy nước thốt nốt, con cháu có cản cũng không được, có lẽ 1 khi người ta làm 1 công việc nào đó mà không nhằm mục đích mưu sinh thì đó là lồng yêu nghề và gắn bó thân thương lắm, như yêu chính là hồn quê xứ sở của mình.
------------------------
Nếu bạn thấy bài viết này hay, hãy bấm like và chia sẽ cho bạn bè, 
đừng quên để lại cảm nghĩ của bạn về bài viết nhé
Bài Trước
Bài tiếp theo
Bài viết liên quan

0 nhận xét: